Xây dựng Xưởng đóng tàu Mã Vĩ Tả_Tông_Đường

Trong thời gian làm Tổng đốc Mân Chiết (1865 - 1866) và Thuyền chính đại thần, Tả Tông Đường rất quan tâm đến ngành công nghiệp đóng tàu, ông chủ trương phát triển công nghiệp đóng tàu. Trong sớ dâng lên triều đình ông viết "nếu muốn tránh các bất lợi mà thu hoạch các lợi ích của biển cả thì đường lối duy nhất là tăng cường thủy quân, mà muốn xây dựng thủy quân thì chúng ta phải xây một bãi đóng tàu để chế tạo tàu chạy máy hơi nước ". Khi biết được người Nhật sẽ có tàu chạy hơi nước trong vòng vài năm, ông bắt đầu lo ngại. Nếu Trung Hoa không sớm đuổi kịp thì một ngày nào đó, họ sẽ phải đụng độ với Nhật Bản trên mặt biển, "khi họ có phương tiện, chúng ta chẳng có gì cả. Cũng chẳng khác gì qua sông người khác chèo thuyền thì chúng ta đi bè, cưỡi lừa chạy đua với người cưỡi ngựa".

Năm 1866, nhà máy chế tạo tàu thuyền Mã Vĩ (Phúc Châu) được thành lập trên diện tích 47 ha tại Mã vĩ thuộc địa phận Phúc châu trên sông Mân, bên cạnh đó còn có trường đào tạo học viên hải quân. Nhà máy bắt đầu đóng loại tàu mới, sử dụng máy móc và kỹ thuật cơ khí của Pháp do Thẩm Bảo Trinh (con rể Lâm Tắc Từ, nguyên Tuần phủ Giang tây, sau này làm Tổng đốc Phúc kiến chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống phòng thủ bờ biển ở Đài Loan) làm Giám đốc, có sự chỉ đạo kỹ thuật của 50 kỹ sư người Pháp đứng đầu bởi hai cựu sĩ quan hải quân Pháp Prosper GiquelPaul d'Aiguebelle, và 5000 người làm việc. Đến năm 1874, ngoài bến bãi, sân và công xưởng dùng cho việc đóng tàu, xưởng này còn thêm một đơn vị chế tạo vũ khí và đạn dược, đúc thép để sản xuất sắt dát mỏng, một ban phiên dịch và một trường dạy tiếng Pháp, tiếng Anh, toán, vẽ và hải trình học.

Kinh phí ban đầu là 40 vạn lạng bạc (55 vạn đô la) được huy động từ ngân sách các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông. Trong thời gian 1866 – 1874, chi phí của xưởng lên tới 540 vạn lạng bạc (750 vạn đô la). Số nhân công của xưởng Mã Vĩ lúc cao nhất đạt tới 5000 công nhân, quy mô còn lớn hơn Giang Nam Cơ khí chế tạo Tổng cục.

Năm 1869 xuất xưởng chiếc tàu đầu tiên lấy tên là Vạn Niên Thanh, có công suất 150 mã lực. Năm 1893 xuất xưởng tàu chiến Fujing tải trọng 2200 tấn và được biên chế vào Hạm đội Phúc Kiến.

Trong vòng 40 năm, từ 1867 đến 1905, xưởng Mã Vĩ đã đóng 40 tàu chiến có tổng trọng tải là 300.000 tấn, chiếm tới 70% tổng trọng tải của hàng hải Trung Quốc.

Khi Chiến tranh Pháp - Thanh nổ ra năm 1884, tại Trận Phúc Châu xưởng đóng tàu Mã vĩ bị Hạm đội Pháp tấn công gây thiệt hại nặng nề.